Tổng Giám Đốc Cặn Bã, Xin Anh Đừng Yêu Tôi

Rate this post

Cả ba người ngậm ngùi rời khỏi nhà thương Chợ Quán mà trong lòng tràn đầy những nỗi âu lo. Dạ Lý lo cho Lê Duy, lo cho Thu Phượng và cũng lo cho cả tương lai của chính mình, sẽ chẳng còn bao lâu nữa để bọn quan lính kia tìm ra chỗ trú ngụ hiện tại của ả và má, đến khi đấy ắt liên lụy đến cả Nam Sa và Hồng Lệ.

Rảo bước trên hè phố, một cơn gió thình lình thổi qua làm rối tung lên mái tóc khiến Dạ Lý chợt nhớ mình đã để quên chiếc trâm cài trên bàn trà của ông viện trưởng mất rồi.

“Chị để em quay lại lấy nó cho.” Thấy ả chần chừ không dám trở lại nơi u ám ấy, Nam Sa bèn tự đề nghị.

“Không nên đâu…”

“Không sao, em sẽ về nhanh thôi.”

Nói đoạn Nam Sa liền trở gót chạy đi không kịp để Dạ Lý phản ứng.

Đó là chiếc trâm ngọc mà ả đã luôn cài trên tóc, thứ thân quen gần như là cuối cùng còn sót lại lúc rời Cao gia trang. Nàng biết Dạ Lý sẽ không để mình trở lại nhà thương ấy nhưng ngược lại nàng cũng không muốn ả phải đánh mất thêm bất kỳ thứ gì nữa.

Nam Sa chạy vụt qua cánh cổng sắt đến phòng viện trưởng, nàng ngập ngừng trước bậc cửa lên tiếng chào nhưng không thấy ai đáp lại. Ngó vô, bên trong vắng lặng, ông viện trưởng đã đi đâu mất rồi chỉ còn thấy mỗi chiếc trâm ngọc đặt ở trên bàn mà thôi.

Nam Sa bước vào lấy nó rồi nhanh chân rời khỏi, lúc chạy ngang qua hành lang đã bất cẩn tông trúng vào một người nào đó, sức bật khiến nàng ngã vật xuống đất, choáng váng hoa cả mặt mày.

“Est-ce que ça va, madame?” (Quý cô không sao chứ?)

Người đàn ông trung niên vạm vỡ bị Nam Sa tông trúng thế trụ vẫn vững như bàn thạch, chìa tay ra về phía nàng toan đỡ dậy.

“Tôi, tôi xin lỗi, tôi xin lỗi…” Nam Sa liên tục cúi đầu xin lỗi, thuận theo cánh tay của người đàn ông nọ đứng lên.

“Cô nói được tiếng An Nam à?” Bằng chất giọng lơ lớ, ông ta ngạc nhiên hỏi.

“Dạ, tôi là người An Nam mà.” Nam Sa ngẩng mặt lên nhìn đối phương mỉm cười, tỏ ý không sao.

Khoảnh khắc khi cả hai mắt đối mắt nhìn nhau, dường như giữa họ có một tia lửa sáng lòa xoẹt qua đánh thẳng vào đại não.

Gương mặt ấy, đường nét ấy, mái tóc và cả màu mắt kia…cứ như thể được tạc ra từ một khuôn đúc vậy.

Ông viện trưởng đứng cạnh bên người đàn ông Pháp mặc suit đen ấy mặt mày cũng đen y như là màu bộ suit. Không thể xen vào nhưng cũng không thể cứ vậy im lặng, lâm vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Người đàn ông Pháp đang dìu tay Nam Sa lúc này tên là Victor Yves, một mạnh thường quân lớn của nhà thương Chợ Quán suốt từ nhiều năm nay.

Bấy giờ, cả Nam Sa lẫn ông ta đều không dám tin vào điều đang diễn ra nên cứ ngỡ ngàng nhìn nhau không chớp mắt. Ngoại trừ giới tính và độ tuổi cách biệt thì còn lại Nam Sa không khác nào là phiên bản thứ hai của ông ta.

“Thứ lỗi, tôi phải đi rồi thưa ông…” Nam Sa lấy lại tỉnh táo trước tiên, vội giằng tay Victor ra rồi cúi đầu chào viện trưởng trước khi chạy thẳng một mạch ra khỏi cổng nhà thương, bỏ lại người đàn ông Pháp đứng ở phía sau chết lặng trơ mắt dõi theo nàng.

“Cô gái ấy, là ai vậy?” Victor bắt chéo chân ngồi tựa lưng vào ghế day day vầng trán đau âm ỉ.

“Thưa ngài Yves, đó chỉ là thân nhân của một bệnh nhân tâm thần mà chúng tôi đang điều trị thôi ạ.” Viện trưởng đáp.

“Thì ra là như vậy à…”

“Dạ vâng.”

Ngập ngừng hồi lâu, Victor mới khẽ nhíu mi, cất tiếng hỏi: “Ông cũng thấy giống đúng không?”

Viện trưởng bối rối, rốt cuộc vẫn là phải thành thật gật đầu: “Quả thật rất giống, nhưng người giống người xưa nay cũng không phải là hiếm.”

“Có một câu chuyện đã xảy ra từ khá lâu rồi, bây giờ nó lại khiến tôi cảm thấy rất hoài niệm.”

Dứt lời, Victor bèn khép hờ mắt lại, đôi môi vô thức nở ra một nụ cười không rõ tâm tư.

“Em đi lâu quá đấy, chị đang định quay lại đó tìm em.” Dạ Lý ôm lấy Nam Sa khi vừa trông thấy nàng chạy về.

“Xin lỗi đã để chị lo lắng rồi, chúng ta đi thôi, đi nhanh.” Nam Sa buông hờ một câu rồi liền kéo Dạ Lý bước vội.

Kiều Trang nối gót đi theo mà không khỏi cảm thấy kỳ quái trước thái độ của nàng.

Trước khi tạm giã từ nhau tại cửa tiệm của Kiều Trang, Dạ Lý có ghi lại tờ địa chỉ nhà Thu Phượng đưa cho cô.

“Cô nhất định ra Huế tìm cô ấy à?” Dạ Lý hỏi lại lần nữa.

“Đúng vậy, nếu lần này còn không đi thì em sẽ ôm hối tiếc xuống hoang mồ mất thôi.” Kiều Trang vẫn mỉm cười, tươi tắn một cách giả tạo.

Nam Sa nắm lấy đôi bàn tay lạnh ngắt của Kiều Trang, nàng nói: “Em hi vọng dù xảy ra chuyện gì thì chị cũng hãy giữ vững tin thần, đừng để có thêm mất mát nào nữa.”

Nàng nói vậy là có ý dặn dò Kiều Trang chớ bốc đồng đến mức tự sát theo Thu Phượng ở Huế, nhưng đáp lại Kiều Trang chỉ ôm lấy nàng, thầm thì một câu: “Em cũng đã yêu, vậy nên em có thể hiểu chị mà.”

Phải, nàng có thể hiểu tâm trạng của Kiều Trang lúc này, nhưng với tư cách là một người bạn, dù Thu Phượng hay cô ấy mất mạng nàng cũng đều đau xót như nhau.

Lúc Dạ Lý và Nam Sa chuẩn bị dời bước thì bỗng dưng Kiều Trang gọi với theo ngăn cả hai lại.

Cô chạy tới, dúi vào tay Nam Sa một chiếc ví dày cộm khiến cho nàng nhất thời ngơ ngác.

“Đây là vì tình bạn của cả nhóm chúng ta, hai người không được từ chối.”

Dạ Lý đã hiểu trong ví kia có thứ gì, ả mím môi, không giấu được sự tủi thân lẫn tự ái nhưng vẫn nhẹ giọng đáp: “Không tới mức như vậy đâu, cô cứ giữ lại đi. Ngày xưa tôi cũng chỉ là khách hàng của cô chứ có phải bạn bè gì.”

Kiều Trang nghe vậy cũng không để ý, cô ôm chầm lấy Dạ Lý, vỗ vỗ nhè nhẹ lên lưng ả: “Vậy…xin quý khách hãy nhận tặng phẩm tri ân mà của tiệm của chúng tôi dành cho người khách hàng thân thiết suốt bao năm qua.”

Dứt lời, Kiều Trang tươi cười chạy đi vào bên trong cửa tiệm của mình, không để cho Dạ Lý hay Nam Sa có cơ hội từ chối.

“Kiều Trang…” Dạ Lý cảm thấy ở đâu đó giữa lồng ngực mình đang dâng lên sự nghẹn ngào khó tả.

Ả cúi gằm mặt xuống quay lưng đi, Nam Sa đi theo phía sau, đoạn quay lại nhìn về phía cửa tiệm ấy mà khẽ cúi đầu nói một tiếng “Cảm ơn chị” dù không có ai nghe thấy.

“Qua hết đêm nay chúng ta trở về quê thôi.” Dạ Lý trằn trọc nằm trên giường.

Nam Sa mặc yếm trắng, nghiêng mình, gác tay nằm bên cạnh nhìn ả, thấp giọng bảo: “Chị tính sao thì em nghe vậy, thế chị hãy ngủ sớm, mai còn có sức ngồi xe.”

Nam Sa ôm ả vào lòng, dỗ dành để ả chìm vào giấc ngủ nhưng đã vào khuya mà cả hai vẫn không tài nào yên giấc nổi.

Rốt cuộc, Dạ Lý là người mở lời trước: “Sa, chị không ngủ được…”

“Em cũng vậy.” Nam Sa cười nhẹ.

“Chị muốn ra ngoài uống chút gì đó.”

“Em đi cùng chị.”

Cả hai sau đó đã rời khỏi nhà để đi dọc theo con phố tìm một quán nhỏ ghé chân. Ban đêm, sương giăng mờ và lành lạnh, hai cô gái nép mình đi bên nhau dưới ánh điện vàng vọt làm đổ bóng xuống mặt đường in hình đôi người đang sóng bước.

Qua vài con phố vắng, bên tai cả hai văng vẳng tiếng nhạc xập xình phát ra từ những khu vũ trường hoạt động về đêm, chốc chốc lại ngang qua những người gánh hàng rong đang nhanh chân bước vội về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Thấp thoáng, bên kia bờ kênh là ánh đèn từ những khung cửa sổ nho nhỏ, ở ngoài này Dạ Lý vẫn có thể cảm nhận được ấm cúng bên trong kia, sự ấm cúng mà lâu lắm rồi ả không còn có được nữa.

Dạ Lý và Nam Sa đi một hồi rồi ghé lại một quán rượu nhỏ ven đường, lác đác có vài gã bợm đang còn gà gật say sưa bên bàn.

Dạ Lý chọn một vị trí khuất trong góc, ả gọi một đĩa thức ăn và một chai rượu rẻ tiền, thứ mà có thể tìm thấy ở bất kỳ quán nhậu lề đường nào.

Rượu vừa được đặt xuống bàn liền rót đầy ly thuỷ tinh nhỏ rồi ngửa cổ uống cạn.

“Chị à…” Nam Sa quan ngại nhìn ả.

“Chỉ hôm nay thôi.” Dạ Lý vừa nói vừa uống thêm một ly.

Nam Sa khe khẽ thở dài, nàng không uống rượu mà chỉ uống trà và ngồi lặng lẽ bên cạnh ả.

Hôm nay có lẽ là đã đến giới hạn của Dạ Lý rồi.

Hồi lâu sau, khi thấy Dạ Lý đã say mèm vì men đắng, Nam Sa mới với tay gọi chủ quán tới để thanh toán thì nhận được một lời rằng chi phí đã được một người trả rồi.

Nàng vô cùng kinh ngạc, không lẽ lại là Kiều Trang? Mà nếu Kiều Trang đã đến thì sao không tới đây cùng ngồi?

Theo hướng tay chủ quán chỉ, Nam Sa nhìn thấy ngồi ở chiếc bàn cách đó không xa đang nhìn về phía nàng vẫy tay mỉm cười là người đàn ông trung niên lúc chiều mình vô tình tông trúng.

“Quelle belle soirée, madame?” (Quả là một buổi tối đẹp đẽ, quý cô nhỉ?)